Home / 360° Cafê / Nghệ thuật tiếp thị 4C

Nghệ thuật tiếp thị 4C

Cho dù không hề muốn, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải thừa nhận rằng những phương pháp tiếp thị truyền thống đang trở nên kém hiệu quả, trong khi khách hàng lại ngày càng tỏ ra khó tính và nhạy cảm với giá cả hơn. Và dường như họ không hề do dự khi quyết định quay lưng với một công ty để chuyển sang sử dụng sản phẩm/dịch vụ của chính các đối thủ cạnh tranh với công ty đó.

Trước thực tế kinh doanh như vậy, bạn sẽ phải xây dựng một chiến lược tiếp thị như thế nào để nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh và giành phần thắng trên thị trường? Theo chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tiếp thị, tiến sỹ Philip Kotler, thì “Mọi hoạt động tiếp thị đều phải hướng đến việc trợ giúp doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng các giá trị của sản phẩm/dịch vụ”. Nói cách khác, bạn cần quan tâm đến cả hai mặt chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, sau đó gửi chúng tới các khách hàng với một sự hấp dẫn và tươi mới. Bí quyết tiếp thị theo “mật mã 4C” sẽ thể hiện đầy đủ bản chất của nội dung này.


nghệ thuật giao tiếp 4c


Được viết tắt từ 4 chữ cái đầu tiên của 4 yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động tiếp thị ngày nay là Customer Value (Giá trị khách hàng), Change (Sự thay đổi), Convenience (Sự thuận tiện) và Communication (Giao tiếp), 4C sẽ giúp bạn định hướng lại các mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả của chiến lược tiếp thị mà bạn tiến hành, đồng thời tạo những bước phát triển mới trong hoạt động tiếp thị và bán hàng của bạn.

1. Giá trị khách hàng (Customer Value)

Khách hàng hiện đại ngày càng ý thức hơn về yếu tố giá trị của mỗi sản phẩm/dịch vụ mà họ mua sắm. Bạn có thể đáp ứng các mong đợi của họ bằng việc không ngừng thể hiện một dịch vụ khách hàng xuất sắc cùng một đội ngũ nhân viên bán hàng nhiệt tình, tận tâm. Bạn cần “sống và thở” vì các khách hàng, bởi vì họ chính là người tạo ra việc làm cho bạn và cũng chính họ là người trả lương cho bạn.

Hãy khuyến khích đội ngũ nhân viên của bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đáp ứng tối đa các yêu cầu của khách hàng.

Hãy khuyến khích đội ngũ nhân viên của bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đáp ứng tối đa các yêu cầu của khách hàng, khiến khách hàng phải thốt lên “Thật tuyệt vời!”. Nếu Walt Disney, Ritz-Carlton và Southwest Airlines có thể nhận được những lời ngợi khen từ phía khách hàng, thì tại sao bạn lại không thể?

Bên cạnh đó, bạn cần phát huy trí tuệ tập thể nhằm liên tục cải tiến, tạo ra sự khác biệt giữa công ty bạn và các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Đừng ngại mời các nhà tư vấn danh tiếng về làm việc cho công ty bạn. Bạn cũng không nên bỏ qua hoạt động huấn luyện, đào tạo nhân viên. Nếu nhân viên của bạn cần thêm các kỹ năng mới, bạn hãy tài trợ để họ tham gia các khoá đào tạo đặc biệt nào đó tại địa phương hay động viên họ tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến.

2. Sự thay đổi (Change)

Các hoạt động tiếp thị của bạn từ trước đến nay có đạt được thành công như mong muốn? Bạn có nghĩ rằng bạn đã có trong tay một công thức hoàn hảo cho thành công trong kinh doanh không? Nếu câu trả lời là có, bạn có thể đang hướng tới sự suy thoái. Nếu bạn không phát triển và thay đổi, bạn sẽ dần trở nên cũ kỹ và nhạt nhẽo, các đối thủ cạnh tranh sẽ vượt lên và thế là hoạt động kinh doanh của bạn sẽ bị “đẩy ra rìa” và mau chóng bị khách hàng lãng quên. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải phù hợp với bản chất kinh doanh của bạn và cần có tính tương xứng. Bởi vì các khách hàng luôn mong đợi được chứng kiến và thử nghiệm một điều gì đó mới mẻ và thú vị khi ghé thăm công ty bạn, những mong đợi đó cũng nên được xác định rõ ràng trong quá trình thay đổi tổng thể của bạn.

“Làm thử” là tên của cuộc chơi này. Mỗi năm, bạn hãy giới thiệu những ý tưởng mới và những khái niệm hấp dẫn hơn về sản phẩm/dịch vụ và về hoạt động kinh doanh của công ty bạn. Sự thay đổi không cần quá mạnh mẽ. Chỉ một chút tinh tế thôi cũng đủ để tạo ra sự khác biệt, đặc biệt là khi bạn thực hiện theo các mong muốn và ý tưởng do khách hàng của bạn đề xuất. Hãy thể hiện cho khách hàng của bạn biết rằng bạn đang chú ý lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của họ.

3. Sự thuận tiện (Convenience)

Khách hàng có cảm thấy dễ dàng khi giao dịch với công ty của bạn không? Hãy quan tâm kỹ lưỡng tới từng yếu tố một, từ các bản giới thiệu kinh doanh đến bàn đăng ký mua sản phẩm/dịch vụ để đảm bảo rằng khách hàng sẽ có sự thuận tiện tối đa khi giao dịch mua sắm với công ty bạn. Bạn có thể làm những gì để hoạt động giao dịch kinh doanh giữa bạn và khách hàng luôn là những cuộc tiếp xúc thú vị? Câu trả lời là bạn cần tham khảo ý kiến của các nhà cung cấp, đội ngũ nhân viên, các nhà tư vấn bên ngoài, và thậm chí là cả trẻ em. Sau đó bạn hãy thử triển khai và áp dụng từng ý kiến đóng góp của họ. Hãy tìm hiểu xem các công ty lớn và có danh tiếng trên thị trường ngày nay đang giải quyết công việc này như thế nào.

Bạn cũng nên sử dụng Internet để đơn giản hoá các mẫu đăng ký, các thủ tục, quy trình mua sắm hiện tại. Hãy đưa ra các đề nghị giảm giá cho khách hàng nào sử dụng công nghệ khi mua sắm. Điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải thường xuyên thách thức bản thân để không ngừng tạo ra sự thuận tiện cho các quy trình kinh doanh mua sắm.

4. Giao tiếp (Communication)

Trong hoạt động tiếp thị và bán hàng luôn phát sinh khá nhiều vấn đề rắc rối giữa bạn và khách hàng mà nguyên nhân chủ yếu là do thái độ giao tiếp không phù hợp. Kết quả là “chuyện nhỏ” đó có thể làm sụp đổ cả kế hoạch tiếp thị được chuẩn bị công phu. Giao tiếp liên quan đến khả năng truyền đạt một ý tưởng, thông tin về sản phẩm/dịch vụ từ bạn đến khách hàng. Giao tiếp chỉ có hiệu quả tích cực khi khách hàng hiểu được chính xác thông tin hay ý tưởng mà bạn muốn truyền đạt.

Khách hàng của bạn luôn mong muốn có được sự giao tiếp hai chiều. Họ muốn nhìn thấy bạn thực sự chăm sóc họ và quan tâm tới bản thân họ cũng như các mục tiêu của họ. Nói cách khác, chìa khoá thành công chính là sự giao tiếp hai chiều: khách hàng lắng nghe bạn và bạn cần lắng nghe họ.

Tóm lại, 4 yếu tố Giá trị khách hàng, Sự thay đổi, Sự thuận tiện và Giao tiếp đều hướng đến việc phục vụ khách hàng, tạo ra sự thuận tiện, thoải mái cho khách hàng. Chúng quy tụ và cấu thành một hoạt động tiếp thị hiệu quả, có khả năng tác động tích cực, làm cho khách hàng có ấn tượng tốt đẹp về sản phẩm/dịch vụ của bạn và về chính công ty bạn.


Nguồn: P5media

About admin

Check Also

Photoshop 25 năm

Photoshop | Kỉ niệm sinh nhật đặc biệt 25 năm

  Photoshop là một trong những phần mềm thiết kế phổ biến và nổi tiếng. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *