Luôn có rất nhiều thương hiệu lớn, nổi tiếng và giàu sức ảnh hưởng trên toàn cầu, song đây là 10 cái tên đã làm thay đổi cuộc chơi mãi mãi.
1. Amazon:
Khi bỏ việc ở Wall Street năm 1994 và thành lập hãng bán lẻ trực tuyến mới, Jeff Bezos đã chọn cái tên Cadabra song lại khiến người ta nhầm lẫn nó với từ “Cadaver” (tử thi). Sau đó, người đàn ông này đổi tên hãng thành Amazon, có chữ “A” đứng đầu – giúp hiển thị ưu tiên trên các kết quả tìm kiếm và chữ “z” để ngụ ý rằng hãng phục vụ mọi mặt hàng người ta cần. Ngày nay, tham vọng đó đã trở thành sự thật – dù là bạn cần một cuốn sách, chiếc máy cắt cỏ hay áo len cho chó cưng… tất cả đều có thể tìm thấy trên Amazon. Theo đó, trang thương mại điện tử này nhận tới 35 đơn hàng mỗi giây, ở 14 quốc gia khác nhau và doanh thu tới 70 tỷ USD. Và chỉ một sự cố kéo dài 49 phút vào năm ngoái, nó cũng mất tới 6 triệu USD.
2. Facebook:
Trái với suy nghĩ của nhiều người, Mark Zuckerberg là một sinh viên học ngành tâm lý ở Havard chứ không phải chuyên về khoa học máy tính. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản đế chế trị giá 113 tỷ USD của anh chàng gây ra những thay đổi mạnh mẽ tới cuộc sống của 650 triệu người dùng thường xuyên, bao gồm cả việc sinh hoạt, mua sắm, hẹn hò và nhiều mặt xã hội khác. Bên cạnh đó, Facebook cũng khai sinh ra loại hình tiếp thị mới cho các doanh nghiệp, khi mà có tới 48% người trưởng thành ở độ tuổi 18-34 check Facebook mỗi sáng và khoảng 1 triệu đường link được chia sẻ cứ mỗi 20 phút.
3. Gap:
Không thể tìm thấy một chiếc quần Jeans phù hợp, Don Fisher đã nảy ra ý tưởng kinh doanh cửa hàng quần áo của riêng mình và đặt tên là Gap vào cuối thập niên 60. Tuy nhiên, ông không thể ngờ những chiếc quần giá cả phải chăng và đậm chất quần chúng ấy đã biến số cửa hàng hiện nay của hãng lên tới 3.400. Theo ước tính, nếu nối liền số cửa sổ của chúng, khoảng cách sẽ lên tới 10 dặm. Gap được xem là điểm đến lý tưởng cho người dân ở 90 quốc gia khác nhau nếu họ muốn tìm thấy thứ gì đó tử tế để mặc dù túi tiền không nhiều.
4. HBO:
Vào một ngày mùa đông ảm đạm năm 1972, một kênh truyền hình có tên Home Box Office (HBO) chính thức ra mắt. Tuy nhiên, thời gian đầu, nó không thu hút được nhiều sự chú ý. Mọi thứ chỉ trở nên khả quan hơn vào năm 1975, khi trận đấu nảy lửa giữa võ sĩ Ali và Frazier được lên sóng, khiến rất nhiều khán giả bỗng muốn có HBO trên danh sách các kênh truyền hình của mình. Kể từ đó, với những tên tuổi đầy sức hút như series Sex and the City, The Sopranos hay như hiện tại là Boardwalk Empire và Game of Thrones… HBO trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với khán giả truyền hình. Thậm chí, câu khẳng định “Đó không phải là truyền hình, đó là HBO” cũng không hề quá đáng, nhất là với 114 triệu thuê bao của HBO trên toàn cầu.
5. McDonald’s:
Với khoảng 34.000 cửa hàng trên toàn thế giới, không có gì phải nghi ngờ về mức độ ảnh hưởng mà McDonald’s tạo nên. Ngay cả khi bạn chưa từng ăn ở cửa hàng của hãng, bạn vẫn bị tác động một cách gián tiếp: Đó là khi các thực đơn được tiêu chuẩn hóa, phong cách tự phục vụ, nhượng quyền thương mại, văn hóa doanh nghiệp… đều trở nên phổ biến cùng với sự mở rộng quy mô của McDonald’s. Ngày nay, với khoảng 1,8 triệu lao động ở 119 quốc gia khác nhau, McDonad’s đã trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu đúng nghĩa mà tạp chí The Economist thậm chí dùng cả chiếc Big Mac để định giá của các đồng ngoại tệ so với USD.
6. Starbucks:
Khởi đầu với một cửa hàng nhỏ ở Seattle (Mỹ) năm 1971, ngày nay Starbucks đã có doanh thu tới 13,3 tỷ USD thông qua 11.000 cơ sở tại xứ cờ hoa và 17.500 cửa hàng khác tại 61 quốc gia khác nhau. Có thể nói, Starbucks đã định nghĩa lại cà phê khi rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra tới vài USD cho mỗi tách họ uống. Những con số thống kê còn ấn tượng hơn thế khi trung bình, mỗi khách hàng ghé vào cửa hàng của Starbucks 6 lần mỗi tháng, với 20% những khách hàng thường xuyên nhất con số lên tới 16 lần – nghĩa là đó gần như trở thành thức uống mỗi ngày của họ. Bên cạnh đó, Starbucks cũng rất được lòng nhân viên khi bỏ ra tới 300 triệu USD mỗi năm để áp dụng các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
7. iPhone:
Khoảnh khắc CEO huyền thoại Steve Jobs gọi điện đặt hàng 4.000 tách cà phê của Starbucks trên sân khấu ở San Francisco năm 2007 sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí những người yêu công nghệ. Bởi đó là ngày phiên bản iPhone đầu tiên ra mắt – sản phẩm được tạp chí Time khẳng định như: “Chiếc điện thoại đã thay đổi những chiếc điện thoại mãi mãi”. Kể từ đó đến nay, iPhone vẫn luôn là chú dế được nhắc đến nhiều nhất và cũng ghi nhận doanh số bán hàng không thể ấn tượng hơn với 380 triệu sản phẩm. Những kỷ lục bán hàng cứ liên tục bị phá vỡ qua mỗi năm, và người ta hình thành thói quen trông ngóng những tính năng mới sẽ xuất hiện trên các phiên bản được Apple ra mắt. Còn các đối thủ như Samsung hay Microsoft, sẽ còn rất nhiều việc họ phải làm để vượt qua được model táo khuyết này.
8. Visa:
Năm 1958, Bank of America tung ra chiếc thẻ tín dụng đầu tiên BankAmericard với hạn mức 300 USD và làm từ giấy. Khách hàng ngay lập tức yêu thích nó và đến năm 1974, chiếc thẻ mở rộng phạm vi thanh toán ra toàn cầu. Lúc này, nó cần một cái tên mới “đại chúng” và “quốc tế” hơn, và thế là Visa ra đời. Theo ước tính, ngày nay có khoảng 278 triệu thẻ Visa tại Mỹ, 522 triệu thẻ ở các nước khác và hệ thống của nó xử lý khoảng 30.000 thanh toán mỗi giây với số tiền 6,7 ngàn tỷ USD mỗi năm. Chắc chắn, ngày mới bắt đầu, ngay cả Bank of America cũng không thể nghĩ đến việc họ đã khiến cả thế giới mua sắm thông qua những chiếc thẻ nhựa.
9. Viagra:
Khi còn trẻ, bạn có thể cười khi nghĩ đến điều này song có tới 18 triệu đàn ông mắc phải chứng rối loạn cương dương khi quá 20 tuổi – tức là khoảng 1 trong mỗi 10 người. Trước năm 1998, không có nhiều biện pháp khắc phục triệu chứng này, song mọi thứ đã thay đổi khi Viagra được tìm thấy. Đó là một trong những thử nghiệm thất bại của ông trùm dược phẩm Pfizer trong việc điều trị tăng huyết áp song lại là tiếng nhạc từ thiên đường với những quý ông bị bất lực. Kết quả là Viagra trở thành một trong những loại thuốc thành công nhất lịch sử Pfizer với hơn 40 triệu đơn thuốc và khoảng 2 tỷ USD đem về mỗi năm. Nó cũng trở thành loại thuốc bị làm giả nhiều nhất và được săn đón ở bất cứ đâu, từ các nước thuộc thế giới thứ ba đến những quốc gia phát triển nhất.
10. Walmart:
Câu chuyện lịch sử của Walmart được rất nhiều người biết đến, đó là khi Sam Walton mở ra một của hàng giảm giá với khẩu hiệu đơn giản mà đầy thu hút: “Giá thấp nhất -bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu!” Kể từ năm 1962, quy mô của Walmart ngày càng được mở rộng với sức tăng trưởng khiến bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ, tính đến nay hãng đã có 4.135 cửa hàng ở Mỹ và 6.288 cơ sở khác tại nước ngoài. Theo ước tính, có tới 245 triệu người ghé vào các cửa hàng của Walmart mỗi tuần, với doanh thu được công bố năm 2013 là 466 tỷ USD. Không có chuỗi bán lẻ nào trên thế giới lớn bằng Walmart và nhà văn Jarod Kintz từng hài hước phát biểu: “Giống như Alexander đại đế hay Caesar, ta sinh ra để chinh phục thế giới, nhưng trước tiên ta phải ghé qua Walmart để trang bị cái đã”.
Theo Adweek/Tri Thức