TTO – Châu Âu đã thở phào khi ông Obama tái đắc cử. CNN cho biết nhiệm vụ sắp tới của Tổng thống Obama cực kỳ khó khăn. Tờ Time đưa ra chìa khóa thành công chiến lược tranh cử của Obama.
Tổng thống Obama sẽ tiếp tục đối phó với các vấn đề cả cấp bách lẫn dài lâu – Ảnh: Getty Images
BBC bình luận rằng trong các cuộc thăm dò trước đây, phần lớn các nước Châu Âu đều thích ông Obama đơn giản bởi vì họ đã làm việc quá quen với ông – cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner – trong suốt bốn năm qua cũng như trong suốt cuộc chiến chống khủng hoảng kinh tế. Nay châu Âu vẫn quá bộn bề lo chuyện nợ nần nên không có thời gian để “thích nghi” với một vị tổng thống mới.
Ngoài ra châu Âu và Mỹ cũng khá “ăn rơ” với nhau suốt thời gian qua trong một số vấn đề khác, đặc biệt là chính sách đối với Iran.
Thị trường chứng khoán cũng tăng nhẹ sau tin ông Obama tái đắc cử vì dường như mọi chính sách tài chính của Mỹ vẫn sẽ giữ nguyên. Trước đó ông Romney đã de dọa rằng nếu đắc cử sẽ có một số thay đổi lớn đối với Cục Dự trữ liên bang.
Tuy nhiên đây chỉ mới là những phản ứng ban đầu. Các nhà kinh tế, trong đó có vài thành viên của Cục Dự trữ liên bang, tin rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng mới nếu như vào đầu tháng 1-2013, chính quyền Mỹ thực hiện kế hoạch tăng mạnh thuế và cắt giảm chi tiêu của liên bang.
Còn tại khu vực Trung Đông, BBC bình luận rằng dù Tổng thống Obama đã tuyên bố chấm dứt một thập kỷ chiến tranh nhưng vấn đề Iran dường như sẽ khiến trong kế hoạch của ông vẫn phải dùng đến quân đội, thậm chí mở một cuộc chiến lớn.
Vào mùa hè năm sau, nếu Mỹ và đồng minh vẫn tin rằng Iran có phát triển vũ khí hạt nhân, gần như chắc chắn Tổng thống Obama sẽ mở cuộc chiến tranh tại đây hoặc bật đèn xanh cho Israel ra tay. Một bình luận viên trên tờ báo ôn hòa Arman của Iran nói rằng những ai tin ông Obama “ít nguy hiểm” hơn Romney là sai lầm bởi vì dù ít nhất “tránh một cuộc chiến tranh” nhưng ông Obama vẫn “chọn cách tiếp cận thận trọng”, tạo áp lực lớn lên Iran về vấn đề hạt nhân.
Về vấn đề khủng hoảng tại Syria, khi chiến tranh có vẻ lan rộng ra các nước láng giềng, dường như Mỹ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ lực lượng nổi dậy thay vì nhảy vào tham chiến.
Theo CNN, Tổng thống Obama có 6 vấn đề lớn cần phải giải quyết đó là:
1. Làm sao để tạo ra nhiều việc làm nhanh chóng?
2. Làm thế nào để Iran ngừng tạo vũ khí hạt nhân?
3. Làm sao để ngưng khủng hoảng lan rộng tại Syria và Trung Đông?
4. Làm sao để Trung Quốc sòng phẳng trên thị trường?
5. Làm sao để ngăn kinh tế châu Âu tan rã và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế còn mỏng manh của Mỹ?
6. Làm cách nào để thay đổi luật nhập cư?
Tuy nhiên CNN gút lại vấn đề chủ chốt nhất mà Tổng thống Obama phải đối mặt đó là kinh tế. Hiện kinh tế Mỹ không tăng trưởng nhanh như trong quá khứ. Điều này không có nghĩa là có khoảng 25 triệu người Mỹ không có việc làm mà còn là việc lương tăng không đủ nhanh, không đủ lao động được đào tạo bài bản và sự bất bình đẳng đang tăng cao trong xã hội.
Theo CNN bình luận, tăng trưởng kinh tế không cao trong năm qua sẽ không đủ mạnh để tạo ra việc làm cũng như vực dậy nền kinh tế Mỹ trong tương lai.
Bang Florida vẫn chưa kiểm xong phiếu Các bang màu xanh là nơi đảng Dân chủ thắng còn bang tô đỏ thuộc đảng Cộng Hòa. Màu Cam lợt là bang trung lập. Riêng bang Florida (màu xám) chưa có kết quả. Ảnh chụp màn hình vào 22g ngày 7-11 giờ VN Tối 7-11 giờ VN, tức là rất lâu sau khi tổng thống Barack Obama tuyên bố tái đắc cử, ủy ban kiểm phiếu tại Florida vẫn đang hì hụi kiểm phiếu. Theo giờ nước Mỹ vào hừng đông sáng 7-11, tất cả các ban khác đều đã kiểm phiếu xong thì phải đến trưa ngày 7-11, bang Florida mới hoàn thành công việc của mình. Cử tri đã phải xếp hàng rồng rắn tại nhiều phòng bỏ phiếu tại Florida và người cuối cùng tại bang bỏ phiếu xong là vào khoảng 1 giờ sáng ngày 7-11. Tại hạt Miami, hạt lớn nhất của Florida, các nhân viên kiểm phiếu vẫn đang phải kiểm tra 20.000 phiếu vắng mặt. |
Phân tích cử tri – chìa khóa thành công của Obama
Nhiều bình luận cho rằng ông Mitt Romney đã tự thua do chính kiến không rõ ràng và một chiến dịch tranh cử không tốt. Về phía ông Obama, tờ Time đã có một chuyên đề về việc ông phân tích cử tri ra sao.
Trung tâm phân tích dữ liệu cử tri của Jim Messina tại Chicago – Ảnh: Time
Cũng như trong đợt tranh cử năm 2008, ông Obama có một đội ngũ phân tích cử tri trợ giúp đắc lực. Nhưng quy mô của đợt tranh cử năm 2012 lại lớn hơn hẳn. Người đứng đầu chiến dịch này là Jim Messina với công trình quyên góp được hơn 1 tỉ USD – chiếm 1/6 tổng giá trị cuộc tranh cử, đồng thời phân tích rất nhiều dữ liệu của cử tri.
Jim Messina đã mướn một tòa nhà to gấp 5 lần so với chiến dịch năm 2008 và hoạt động hoàn toàn độc lập với các bộ phận khác trong chiến dịch tranh cử của ông Obama.
Một trong những vấn đề chính mà nhóm của Jim Messina thực hiện là rút kinh nghiệm từ chiến dịch năm 2008. Cách đây 4 năm, các dữ liệu về cử tri bị tản mát. Nay công việc của họ là “gom về một mối”, tạo sự liên kết của mọi đối tượng thông qua các mạng xã hội.
Sự phân tích dữ liệu này cực kỳ quan trọng bởi vì nó giúp hiểu được những nhóm người nào sẽ bầu cử ra sao và với họ phải dùng các chiến lược nào. Danh sách tất cả những cử tri này không chỉ được liệt kê chi tiết về tên tuổi, nghề nghiệp mà còn cả về khả năng bỏ phiếu cho ai, đã từng bỏ phiếu cho ai, thậm chí đánh giá về mức độ “khó thuyết phục” ra sao.
Cũng nhờ vào dữ liệu này mà nhóm của Jim Messina biết được rằng nhiều trong số những người ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Obama tại Ohio không phải từ ban đầu ủng hộ ông mà đa số là những người bỏ Romney theo Obama.
Nhóm cũng phát hiện hầu hết những đối tượng cử tri tiềm năng đang tập trung ở mạng xã hội Reddit. Vậy là ông Obama đã lên đây trả lời online một số vấn đề những người này đặt ra.
Tương tự, việc quyên góp 1 tỉ USD cũng được thực hiện qua việc “hiểu rõ” đối tượng. Các chiến dịch nhắm đúng vào đối tượng được thực hiện trên mạng đã đem về những số tiền khổng lồ.
Nếu như ông Obama biết đánh vào đối tượng nào, tập trung chủ yếu vào phụ nữ, người Mỹ Latin, người Mỹ gốc Phi và gốc Á thì chiến dịch tranh cử của ông Romney lại thiếu “nắm đấm” cũng như không thể hiện rõ quan điểm của mình.
Theo Reuters, nếu như các ứng cử viên khác đều có một câu chuyện tranh cử là bắt đầu khó khăn, rồi thành công và cuối cùng tung ra đòn quyết định thì ông Romney chẳng có gì. Tuổi thơ ông quá nhung lụa khi học trường tư, rồi có bằng Harvard. Về điểm nhấn thì trong sự nghiệp làm thống đốc bang của ông chỉ là chương trình y tế vào năm 2010 nhưng nó lại bị bao trùm bởi chương trình y tế toàn quốc của chính ông Obama.
Reuters bình luận rằng đôi khi ông Romney tỏ ra ôn hòa, đôi khi tỏ ra bảo thủ. Chính điều này khiến mọi người không rõ quan điểm của ông. Điều này đã làm hại chính ông Romney. Bởi vì trong cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 3-10, ông Obama dường như đã đánh mất nhiều cử tri vào tay Romney. Tuy nhiên sau đó các cuộc thăm dò lại cho rằng ông Romney không nhất quán, “nói mọi thứ để thắng cử” trong khi đánh giá ông Obama giữ vững lập trường.
Đ.K.L. (Theo Times, CNN, Reuters)