Home / Thiết kế sáng tạo / Kỹ thuật in / Tổng quan về in offset

Tổng quan về in offset

I. In Offset là gì?

In offset là một kỹ thuật in ấn trong đó, các hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm cao su (còn gọi là các tấm offset) trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy. Khi sử dụng với in thạch bản, kỹ thuật này tránh được việc làm nước bị dính lên giấy theo mực in.

II.Quy trình in Offset 

  1. Thiết kế chế bản (Design)

Giai đoạn này là công việc của các designer. Họ dùng những phần  mềm chuyên dụng cho thiết kế như Corel, Illustrator … đề bố cục và sắp xếp các dữ liệu cho khoa học , độc đáo … Việc một ấn phẩm quảng cáo sau in ấn có thực sự thu hút được khách hàng hay không chính là phụ thuộc vào việc bạn đầu tư ở giai đoạn này như thế nào.

  2. Xuất phim (Output Film) 

Sau thiết kế là giai đoạn Outfilm. Đối với các ấn phẩm có hình ảnh thì film sẽ được xuất thành 4 tấm đại diện cho 4 lớp màu CMYK. Trong đó C (Cyan) , M (Magenta). Y (Yellow) , K (Black) là 4 hệ màu trong in offset tất cả các màu đều có thể pha trộn từ 4 màu căn bản này. 

Tổng quan về in offset

  3. Phơi bản kẽm

Sau khi đã có đủ 4 tấm phim của 4 màu người ta mang phơi từng tấm một lên bản kẽm ( Dùng máy phơi kẽm  chụp ảnh của từng tấm phim lên từng bản kẽm ) Sau giai đoạn này ta có 4 kẽm thuộc 4 màu CMYK để chuẩn bị cho in ấn. 

  4. In Offset

Tiền hành in từng màu một, thứ tự trước sau không quan trọng. Đầu tiên lấy bản kẽm màu đã chọn gắn lên rulo máy in offset. Ở gian đoạn này sử dụng mực có màu tương ứng với màu kẽm đã chọn.

Sau khi chạy xong tháo kẽm ra, vệ sinh sạch mực trong máy và tiến hành in chồng màu tiếp theo lên. Cứ như thế lần lượt in hết 4 mảu kẽm. Sự tổng hợp của 4 màu sẽ cho ra bản in hoàn chỉnh  theo thiết kế ở bước 1.

Trong suốt quá trình cứ mỗi màu sẽ chạy thử khoảng 50 bản  để cân chỉnh màu sắc cho đúng và ổn định. Tổng quá trình sẽ mất khoảng 200 bản. Do vậy khi in Offset người ta sẽ cộng thêm khoảng 200 bản gọi là bù hao giấy.  

  5. Gia công sau in ấn

– Cán màng ( bóng, mờ )
– Ép nhủ, Ep kim , Phủ UV ..
– Cắt , cấn , bế thành phẩm 
– Đóng gáy , dán gáy … 

III. Giấy in

Trong ngành in Offset, giấy được chia ra làm 2 loại chính, đó là giấy có tráng phủ (coated papers) và giấy không tráng phủ (uncoated papers).

  1.Giấy tráng phủ(coated papers)

là những loại giấy có bề mặt láng bóng và có độ phản xạ ánh sáng cao (nhờ lớp tráng phủ làm tăng độ chắn sáng) giúp cho việc tái tạo tạo màu sắc được trung thực nên hình in rất đẹp. Lớp tráng phủ được sử dụng nhiều nhất là cao lanh, bột đá và cũng có loại giấy được tráng phủ bằng lớp kim loại (giấy metalines). Có loại tráng phủ 1 mặt và 2 mặt. Các loại giấy trong nhóm này được sử dụng phổ biến là:

+ Giấy Couche, couche matt (loại này có độ mịn cao hơn Couche thường nên nhìn vào bề mặt giấy có cảm giác mờ): Đây là 2 loại giấy thông dụng được sử dụng trong in các sách, báo, tạp chí cao cấp, cataloge, brouchure và các ấn phẩm quảng cáo khác.

+ Briston, Ivory (có độ cứng cao hơn giấy couche cùng định lượng): thường được sử dụng để in hộp cao cấp như hộp mỹ phẩm, hộp thuốc tây, túi xách giấy, lịch treo tường…

+ Duplex (thường có định lượng từ 250gms trở lên): Đây là loại giấy dầy được sử dụng nhiều trong in bao bì hộp có kích thước lớn.

+ Giấy Decal: có 1 mặt đước tráng phủ keo và bối thêm 1 lớp đế.

Trong các lọai giấy được tráng phủ này còn có giấy Cristal được tráng keo giêlatin nên bóng láng như gương.

  2. Giấy không tráng phủ (uncoated papers)

 Là những loại giấy có bế mặt nhám, không láng bóng. Tuy nhiên tùy vào độ trắng khác nhau mà giấy không tráng phủ cũng cho chất lượng màu sắc hình ảnh cũng khác nhau. Thông thường khi in trên lọai giấy này thì độ sắc nét của hình ảnh chỉ đạt mức trung bình khá. Một đặc điểm khác biệt cơ bản của loại giấy này so với giấy tráng phủ là có thể viết lên trên mặt giấy bằng những loại viết thông thường. Các loại giấy trong nhóm này được sử dụng phổ biến là:

+ Giấy Fort trắng: giấy được nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam của các công ty như Bãi Bằng, Tân Mai… Loại giấy này có độ trắng cao (từ 68% trở lên). Đây là lọai giấy được sử dụng nhiều trong in bao thư, giấy tiêu đề, photocopy trong văn phòng, in sách 1 đến 2 màu…

+ Giấy Fort vàng: Giấy có độ trắng thấp (dưới 60%) và thường ngã sang màu vàng. Giấy. Loại giấy này thường được sử dụng trong in sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ưu thế của loại giấy này là giá thành rẻ do sản xuất trong nước của các công ty sản xuất giấy như Bãi Bằng, Tân Mai, Đồng Nai…

+ Giấy Kraft: là giấy làm từ bột giấy hóa học của gỗ mềm xử lý bởi các quá trình kraft. Giấy Kraft có tính chất đanh và dẻo dai và tương đối thô. Các grammage là bình thường 50-135 g / cm2. Giấy Kraft thường là màu nâu nhưng có thể được tẩy trắng để sản xuất giấy trắng. Giấy kraft thường được làm túi hàng tạp phẩm , bao tải multiwall, phong bì thư và đóng gói khác

+ Giấy cacbonless: đây là loại giấy dùng để in hóa đơn, phiếu nhều liên. Trên bề mặt giấy có phủ một lớp thuốc, dưới áp lực lớp thuốc này sẽ vỡ ra và tạo thành phần tử in trên giấy.

+ Giấy mỹ thuật: loại giấy khi nhìn vào thấy lớp gân theo thớ giấy, loại giấy này thường có nhiều màu và nhiều loại gân đựơc sử dụng trong in thiệp mời, lịch, cardvisit cao cấp…Đặc biệt giấy này khi đem in phun màu (inject) cho chất lượng màu sắc rất tốt

tổng quan về in offset

IV. Ưu và nhược điểm của in offset

  1. Ưu điểm

– Chất lượng hình ảnh cao – nét và sạch hơn in trực tiếp từ bản in lên giấy vì miếng cao su áp đều lên bề mặt cần in.

– Khả năng ứng dụng in ấn lên nhiều bề mặt, kể cả bề mặt không phẳng (như gỗ, vải, kim loại, da, giấy thô nhám). 

– Việc chế tạo các bản in dễ dàng hơn.

– Các bản in có tuổi thọ lâu hơn – vì không phải trực tiếp tiếp xúc với bề mặt cần in.     

– Nếu in với số lượng càng nhiều thì giá thành càng giảm.

  2. Nhược điểm

– Phải in với số lượng nhiều bởi in ấn với số lượng ít thì giá thành cao ( do phải trải qua nhiều công đoạn )

– Màu sắc có sự sai lệch nhất định do các lý do sau:

+ Sau 4 lần in (bốn kẽm) mới ra thành phẩm nên không thể kiểm soát màu ngay từ đầu.

+ Thời tiết nóng lạnh cũng làm màu in khác đi (đây là lý giải tại sao cùng một sản phẩm mà in 2 lần vẫn có thể khác màu nhau)

+ Nếu bộ phận outfilm lệch hoặc phơi bản kẽm non, già hoặc in áp lực mạnh, yếu, tất cả đều gây ảnh hưởng đến sản phẩm

V. Lưu ý khi xuất file in

  1. Lỗi chính tả

Lỗi chính tả luôn là điều kinh khủng đối với bất cứ ai dính với thiết kế in ấn. Chẳng phải Designer thiết kế dở, mà vì họ “quen hơi” với mẫu thiết kế nên ít khi nhận ra. Hãy đề nghị in ra mẫu thiết kế để cùng kiểm tra lỗi chính tả với họ. Ngoài ra, khi giao file, nên có 2 phần:

1. CD chứa file thiết kế (gọi là bản mềm)
2. Mẫu thiết kế (trong CD) được in ra (gọi là bản cứng)

Lưu ý cực kỳ quan trọng: Đầu tiên ghi CD, sau đó hãy dùng chính file trên CD đó để in. Điều này sẽ tránh được sai xót rất lớn khi in.(Không nên có thói quen ghi CD nhưng in file trên máy vì rất có thể 2 file này khác nhau do một lý do vô tình nào đó)

  2. Nên xuất loại file gì?

Tùy thuộc vào nhu cầu in ấn, chúng ta cần xuất ra những định dạng file phù hợp:

* Xuất chỉ 1 file hình ảnh có đuôi “.JPG” (Có thể sử dụng trong việc in văn phòng, in hiflex kỹ thuật số, in PP…)
* Xuất file gốc đã convert font + file hình ảnh có đuôi “.JPG” (Đây là cách thường thấy trong in ấn. File gốc để in, file hình ảnh JPG để xem và đối chiếu).
* Xuất file gốc đã convert font + file có đuôi “.dpf” (file nào cũng có thể in, tùy theo mức độ và chất lượng).
* Trọn bộ: File gốc chưa convert font + Bộ font chữ sử dụng trong mẫu thiết kế + File có đuôi “.dpf” + file có đuôi “.JPG” + Hình ảnh link trong mẫu thiết kế. (Có thể đóng gói theo cách lưu tất cả file riêng lẻ vào 1 folder hoặc nếu đang thiết kế trong chương trình Indesign thì nó sẽ tự động xuất ra trọn bộ vào 1 folder).

  3. Đặt tên file in để không nhầm lẫn

Cách lưu file theo cú pháp như sau:
Tên công ty_Tên Sản phẩm_Phiên bản_Năm tháng ngày
VD: BMG_Banner 5m x 1m_Final_20100131

Lưu theo cách này sẽ có ưu điểm là: File tự động sắp xếp theo thời gian, dễ tìm, dễ quản lý

  4. Màu sắc hiển thị không chuẩn 100%

Các bạn lưu ý một số điều sau:

* Màu của mẫu thiết kế hiển thị trên màn hình mỗi máy khác nhau.
* Màu sắc máy in phun trong công ty hoàn toàn khác so với loại được in sản phẩm (bài 2 đã từng đề cập về khía cạnh này nhưng với cách sử dụng Giấy).
* Màu sắc trên máy in proof (in test) cũng khác nhau so với sản phẩm thật.
* Ngay cả màu sắc khi in trên cùng 1 máy cũng khác nhau khi in trước, in sau.(VD: Tờ in thứ 150 có thể khác so với tờ thứ 3000)…

Khách hàng ngạc nhiên là điều bình thường, hãy bày tỏ với họ về điều này trước. Không nên nói quá nhiều về sự hoàn hảo tuyệt đối của sản phẩm là chất lượng tốt nhất. Phần này hãy lưu ý bản in duyệt mẫu có chất lượng gần như sản phẩm thật.

Hãy soạn sẵn nội dung(chỉ cần ký duyệt) như sau trên bản in ký duyệt: “Tôi đồng ý in ấn với nội dung và mẫu thiết kế này”. Nhấn mạnh đến việc màu sắc có thể khác đi 3-5% do ảnh hưởng giấy.(Đậm hơn, nhạt hơn)…Bên cạnh đó, do chất lượng in không ổn định như thế nên phải tính đến việc bù hao giấy cho những sản phẩm không đạt(phải bỏ).

  5. Font chữ

Font là kiểu chữ, loại chữ sử dụng trong mẫu thiết kế. Font chữ chỉ bị lỗi khi chuyển từ máy A (có loại font đó) sang máy B (không có loại font đó). Vì vậy, hãy convert font trong file thiết kế, hoặc chép theo những bộ font đã sử dụng, luôn luôn thế. “Cẩn tắc vô áy náy” mà!

Hệ màu: Có 2 hệ màu mà dân thiết kế hay sử dụng:

Màu tổng hợp từ ánh sáng trắng RGB (Red; Green; Blue)
Từ viết tắt RGB trong tiếng Anh có nghĩa là đỏ (red), xanh lá cây (green) và xanh lam (blue). Hệ màu này thông thường được sử dụng trong thiết kế web, xửa lý hình ảnh…
Màu tự nhiên (màu in ấn) CMYK ( Cyan; Magenta; Yellow; Key = black)

Hệ màu CMYK

Từ CMYK (hay đôi khi là YMCK) là từ viết tắt trong tiếng Anh của các màu sau:

– C=Cyan trong tiếng Anh có nghĩa là màu xanh lơ
– M=Magenta trong tiếng Anh có nghĩa là màu hồng sẫm
– Y=Yellow trong tiếng Anh có nghĩa là màu vàng
– K=Key (trong tiếng Anh nên hiểu theo nghĩa là cái gì đó then chốt hay chủ yếu để ám chỉ màu đen mặc dù màu này có tên tiếng Anh là black do chữ B đã được sử dụng để chỉ màu xanh lam (blue) trong mô hình màu RGB để tạo các màu khác.

Phần lớn các ứng dụng đồ họa như CorelDraw, Adobe PhotoShop, Adobe Illustrator v.v… đều dùng hệ màu này trong thiết kế in ấn.

Hãy sử dụng hệ CMYK ngay từ đầu trong thiết kế để tránh vào phút cuối mà quên chuyển từ màu RGB sang CMYK. Trong một vài mẫu thiết kế, đôi khi, màu sẽ bị tái khi chuyển từ RGB sang CMYK.

  6.  Độ phân giải

Trước hết, các bạn nên biết rằng: Hình ảnh do vô số các chấm vuông vuông nhỏ li ti kết hợp lại

Và dpi có nghĩa là dot per inch(số điểm ảnh trên diện tích là 1 inch) mà designer thường gọi là độ phân giải

VD: Độ phân giải 300 dpi nghĩa là trên 1 diện tích là 1 inch thì có 300 “ô vuông” nhỏ nhỏ. Hay độ phân giải 72 dpi là có 72 “ô vuông” trên 1 inch.

Số điểm ảnh trên 1 inch càng nhiều thì ảnh càng mịn, ngược lại, càng ít thì càng bị “rổ”.

Nguồn hình ảnh trên Internet là một lợi thế khiến cho những mẫu thiết kế trở nên đẹp và hấp dẫn hơn. Tuy vậy, phải tùy thuộc vào kích thước, chất liệu in ấn mà chúng ta chọn hình.

VD: In trên khổ giấy A4, hình có kích thước 300 x 400 thì vẫn đáp ứng được độ phân giải. Nhưng cũng với độ phân giải này, mang đi in offset khổ A3 hoặc A2 thì hình sẽ bị vỡ(không sắc nét).

Hình trên mạng thường có độ phân giải thấp 72dpi, hình sử dụng trong thiết kế in ấn chuẩn phải 300dpi. Tình trạng sử dụng hình còn tùy thuộc vào mục đích, nếu vô ý thì hậu quả khó lường, hoặc không có hình thay thế, in ra bị hột, vỡ nát. Còn nếu muốn vừa lòng khách hàng thì phải bỏ số tiền nhờ studio mà chưa chắc đã ưng ý. Vì vậy, các bạn phải luôn cẩn thận “kiểm tra, nhắc nhở” các anh Designer về việc này, kẻo hối hận thì đã muộn màng.


About admin

Check Also

Nghệ thuật sáng tạo từ dây thừng

  Tại Brazil đã tổ chức một buổi triển lãm nghệ thuật của đôi nghệ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *